QUẢN TRỊ NGHỆ THUẬT – MỘT HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ VĂN HÓA CẦN ĐƯỢC NÂNG TẦM

Khái niệm quản trị nghệ thuật dường như vẫn còn khá xa lạ với tất cả chúng ta mặc dù vai trò và số lượng nhân sự đã và đang làm công việc này đang ngày càng tăng lên. Quản trị nghệ thuật đòi hỏi rất nhiều kiến thức và kỹ năng liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật cũng như nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống. Đây là một hoạt động rất quan trọng, góp phần chuyên nghiệp hóa các hoạt động  văn hóa nghệ thuật, đang cần được nhìn nhận đúng đắn và đầu tư nhiều hơn nữa.

Quản trị nghệ thuật là gì?

Hiện nay trong tất cả các tài liệu chưa hề có một định nghĩa hoàn chỉnh nào về quản trị nghệ thuật. Nhưng căn cứ vào diễn biến thực tế ta có thể hiểu rằng: quản trị nghệ thuật là quá trình quản lý, điều phối các hoạt động nghệ thuật ở mức độ tổng quan nhất. Người làm quản trị nghệ thuật là người điều phối các dự án, chương trình nghệ thuật ở mức độ cao nhất.

Nếu trong 1 bộ phim chúng ta có Giám đốc sản xuất thì trong một dự án nghệ thuật hoặc một hoạt động nghệ thuật cụ thể, chúng ta cũng có giám đốc nghệ thuật. Giám đốc nghệ thuật, giám đốc sản xuất, giám đốc dự án nghệ thuật chính là vị trí thực hiện công việc quản trị nghệ thuật.

Vai trò của quản trị nghệ thuật?

Thử tưởng tượng nếu thực hiện một bộ phim mà không có Giám đốc sản xuất thì sẽ ra sao? Nếu là trước kia thì chúng ta vẫn mặc định người đạo diễn là người quyết định hết tất cả nên vai trò của Giám đốc sản xuất thường không quan trọng. Một số dựa án nhỏ, dự án độc lập hiện nay cũng không cần GĐSX, một phần cũng bởi muốn tối ưu chi phí. Nhưng hiện nay, với tốc độ công nghiệp hóa ngành điện ảnh đang diễn ra mạnh mẽ thì mỗi vị trí có những chức năng và vai trò riêng để đảm bảo chất lượng tác phẩm, trong đó GĐSX đã trở thành vị trí có tầm quan trọng bậc nhất (ngang bằng hoặc quan trọng hơn đạo diễn).

Như vậy, người đạo diễn vẫn có vai trò quan trọng nhưng công việc của anh ta là làm việc chủ yếu với ekip sản xuất, thiên về sáng tạo nội dung cả ngoài hiện trường cũng như trên bàn dựng. Còn GĐSX mới là người quản lý tổng quát, điều phối toàn diện dự án. Giám đốc sản xuất là người lập kế hoạch, tìm kiếm nguồn kinh phí, quản lý tài chính – nhân sự – tiến độ, truyền thông quảng bá và chịu trách nhiệm lớn nhất khi có bất cứ sự cố nào xảy ra. Nếu dự án thất bại thì họ cũng là người chịu tổn thất nặng nề nhất.

Vậy, quản trị nghệ thuật cụ thể là làm những việc gì?

Chúng ta có thể liệt kê và nhóm thành 10 nội dung công việc quan trọng nhất mà người quản trị nghệ thuật  cần phải làm được hoặc ít nhất là nắm được cách thức để quản trị chúng, như sau:

  1. Hiểu và thành thạo việc thực hiện nội dung của dự án nghệ thuật:

– Công tác viết kịch bản – biên tập – biên kịch

– Công tác đạo diễn: tiền kỳ, sản xuất hiện trường, hậu kỳ và tất nhiên là ở các thể loại tác phẩm nghệ thuật khác nhau (đạo diễn điện ảnh, đạo diễn sân khấu, đạo diễn sự kiện…)

–  Kỹ thuật biểu diễn, sáng tác: diễn xuất, biên đạo, MC, hoạt động sáng tác

  1. Lập kế hoạch, chiến lược: Kế hoạch tổng thể, kế hoạch chi tiết theo từng nội dung công việc hoặc giai đoạn (sản xuất, kế hoạch tài chính, kế hoạch truyền thông, kế hoạch sử dụng nhân sự…)
  2. Thông thạo luật pháp liên quan và vận dụng hiệu quả trong các dự án
  3. Quản lý tài chính tốt: nguồn kinh phí, các hạng mục triển khai, lợi nhuận
  4. Quản trị truyền thông: quan hệ báo chí và xử lý khủng hoảng truyền thông; Phát hành, ra mắt, quảng bá dự án nghệ thuật
  5. Nắm được kỹ thuật thực hiện dự án: quay phim, chụp ảnh, dựng phim, thu âm, lồng tiếng, âm thanh, ánh sáng
  6. Quản lý tài sản, thiết bị: nắm và sử dụng hiệu quả các thiết bị cần cho dự án
  7. Điều phối nhân sự: Làm công tác nhân sự tốt ở tất cả các vị trí
  8. Kinh doanh nghệ thuật: Khai thác giá trị gia tăng từ dự án, kêu gọi tài trợ
  9. Có phông văn hóa và tầm nhìn chính trị: định hướng sản phẩm hợp thời đại, cấp tiến, được đông đảo công chúng đón nhận.

Thực trạng?

Vấn đề được đặt ra là ngay cả những người đang quản trị nghệ thuật ( GĐSX,GĐ DANT, GĐNT) cũng chưa nắm được các kỹ năng quản trị nghệ thuật. Chúng ta mới đang làm theo thói quen, theo cảm tính, đang xử lý sự cố và nhu câu phát sinh chứ chưa có một kế hoạch bài bản ngay từ đầu.  Với những người có kinh nghiệm lâu năm thì cũng chỉ gạch ra được một số đầu việc cơ bản, chủ yếu là quản lý nhân sự, tài chính còn cụ thể quy trình, timeline các bước như thế nào thì bản thân họ cũng chưa có hệ thống một cách khoa học.

Về chất lượng thì như vậy, còn về số lượng cũng đang rất thiếu. Số dự án nghệ thuật tính trong cả nước được thực hiện hàng năm khoảng 10.000 hoạt động lớn nhỏ.  Trong khi đó số người chính thức làm công việc GĐSX, GĐNT, GĐ DA chỉ xấp xỉ 100 người. Họ hoạt động cũng không đều, chủ yếu bên mảng sân khấu – điện ảnh và tổ chức sự kiện. Các hoạt động nghệ thuật khác gần như không có hoặc không  biết tới vai trò của vị trí này.

Cần nâng tầm hoạt động quản trị nghệ thuật vì một nền nghệ thuật Việt Nam phát triển.

Quản trị nghệ thuật là một phần không thể tách rời của hoạt động quản lý văn hóa nói chung. Chúng ta cân đánh giá đúng mức vai trò của hoạt động này, đồng thời phát triển đội ngũ nhân sự quản trị nghệ thuật đông đảo và chất lượng, chuyên nghiệp hơn nữa nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả xin đưa ra một số giải pháp cụ thể như sau:

  1. Cần có những công trình nghiên cứu chuyên sâu, nâng tầm hoạt động quản trị nghệ thuật thành một bộ môn nghiên cứu và thực hành chính thống tương đương như các hoạt động quản trị khác (quản trị kinh doanh, quản trị văn phòng, quản trị tài chính…).
  2. Sau khi đã hoàn thiện về mặt lý thuyết thì cần có kế hoạch đưa vào giảng dạy trong nhà trường theo từng chuyên ngành hoặc chuyên đề cho các sinh viên đang theo học nghệ thuật.
  3. Tiếp tục bồi huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ nghệ sĩ, nhà quản lý tại các cơ quan, tổ chức các cấp về quản trị nghệ thuật để đội ngũ nghệ sĩ, quản lý văn hóa có thể tham gia hoạt động này một cách hiệu quả.
  4. Nên có giải thưởng/hoạt động vinh danh những nhà quản trị nghệ thuật xuất sắc nhằm động viên, khuyên khích, phát triển cả về chất và lượng của đội ngũ quản trị nghệ thuật.
  5. Mỗi ngành/bộ môn nghệ thuật cần cơ cấu lại các thành phần, vi trí và đánh giá đúng vai trò của các vị trí đó trong tổng thể một tác phẩm/dự án/chương trình nghệ thuật. Từ đó tiến dần tới việc chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm nghệ thuật, tạo động lực cho những người làm Quản trị nghệ thuật và các đơn vị/tổ chức liên quan khác.

Kết

Sáng tạo nghệ thuật không còn là việc của một cá nhân mà từ lâu nó đã là công việc của cả một tập thể, có cả một ekip hùng hậu cùng hỗ trợ nhau. Một người họa sĩ vẽ ra một bức tranh nhưng để bức tranh đó được  đông đảo công chúng biết đến thì cần tổ chức triển lãm, cần bài viết giới thiệu, cần chuyên gia phân tích đánh giá, cần những kênh đấu giá, cần các viện bảo tàng, nhà sưu tập… Vậy là ngoài công đoạn vẽ tranh (họa sĩ sáng tác độc lập) thì các công đoạn đưa bức tranh đó đến công chúng cần phải nhiều người cùng hợp sức. Đó là ví dụ về một lĩnh vực sáng tác nghệ thuật mà trước giờ luôn được coi là sáng tạo đôc lập. Còn nhiều ví dụ về các sản phẩm nghệ thuật của tập thể khác như phim ảnh, âm nhạc… và vai trò của người điều phối, quản trị là không thể thiếu. Điều này khẳng định lại một lần nữa xu thế và vai trò của người quản trị nghệ thuật  hiện nay.

Hãy bắt đầu từ những khái niệm và cơ sở lý luận vững chắc, sau đó tiến tới xây dựng đội nghũ và chuyên môn hóa đội ngũ cũng như công việc quản trị  nghệ thuật. Đây là cách đơn giản và nhanh nhất để nâng tầm Quản trị nghệ thuật thành một hoạt động được chuyên môn hóa cao.

       Đạo diễn – Nhà báo: ThS. Bùi Phương Thảo

0
    0
    Giỏ hàng
    Giỏ hàng trống